Mô hình nuôi lợn bản địa ở Lạc Sơn

(HBĐT) – Lợn bản địa đã được bà con dân tộc ở vùng cao, sâu, xa của huyện Lạc Sơn chăn nuôi từ lâu đời. Do quá trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng nên nhiều năm lại đây, giống lợn bản địa ở Lạc Sơn có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc thoái hóa về gen, chỉ còn lại số ít hộ ở các xã vùng cao nuôi giống lợn này.

Với mục đích bảo tồn nguồn gen và đồng thời phát triển, nhân rộng giống lợn bản địa trở thành lợn thương phẩm có giá trị kinh tế cao, bắt đầu từ tháng 4/2010, Phòng Công thương huyện đã khảo sát thực tế và triển khai xây dựng mô hình “Phát triển, nhân rộng giống lợn bản địa tại xã Văn Nghĩa”.

Lợn mường Lạc Sơn
Lợn mường Lạc Sơn

Đề tài đã được Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN và Hội đồng KH&CN huyện chấp thuận. Bước đầu, Ban điều hành dự án đã chọn 3 hộ tại xóm Tre, xã Văn Nghĩa để thực hiện, đó là các hộ ông Quách Uy, Quách Văn Hùng và hộ Bùi Thị Lan. Cả 3 hộ này đều có khả năng tài chính cũng như một số kinh nghiệm nhất định trong nuôi giống lợn bản địa từ trước đây. Theo ông Quách Uy, trước đây vài năm, ông đã có ý tưởng phát triển giống lợn bản địa với quy mô lớn nhưng không thể thực hiện được do thiếu vốn. Mô hình hiện nay mà ông đang làm đã đi chậm hơn so với nhiều nơi khác.

Các hộ trong mô hình đã được hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh để tập trung mua giống, đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao mà không ảnh hưởng đến chất lượng thịt của giống lợn bản địa. Ngoài số vốn được hỗ trợ, các hộ đã phải bỏ vào mô hình này 26 triệu đồng để cải tạo, xây dựng chuồng trại phù hợp tiêu chuẩn mô hình yêu cầu. Bên cạnh đó là đầu tư mua cám, trấu và rau làm thức ăn cho lợn. Những con giống của các hộ đang nuôi đều được lựa chọn kỹ càng, đúng giống thuần bản địa và đa số được lấy từ các xóm vùng cao của huyện đem về, do vậy, giá lợn đắt so với lợn bình thường. Hiện nay, gia đình ông Quách Uy đã nuôi tổng cộng 11 con lợn bản địa và đây là con đực để phối giống với 10 con cái khác. Trong số đó có 2 con lợn nái đã được lai từ lợn rừng. Đây cũng là một biện pháp sáng tạo trong cách lai ghép các giống lợn có chất lượng cao với nhau nhằm tạo ra một thế hệ giống mới nổi trội hơn về mọi mặt.

Phòng Công thương huyện Lạc Sơn triển khai mô hình này tại xã Văn Nghĩa bước đầu đem lại thành công đã tạo sự phấn khởi cho các hộ chăn nuôi và được chính quyền hết sức ủng hộ. Tới đây, nếu mô hình thành công như mong đợi, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN thuộc Sở KH&CN sẽ cùng với Phòng Công thương huyện Lạc Sơn tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng mô hình ra nhiều hộ, nhiều nơi khác nhằm giúp cho nông dân có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần XĐ-GN ở địa phương.

Bùi Công Nhắn

(Đài TT-TH Lạc Sơn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *